Sản phẩm đề cập đến là gạch xây và ngói lợp dùng phổ biến trong xây dựng được sản xuất từ nguyên liệu và công nghệ khác nhau. Xi măng, cát, sỏi, xỉ than, đá mạt… là nguyên liệu tạo sản phẩm không qua công đoạn nung đốt. Đất sét là nguyên liệu tạo hình sản phẩm và phải qua công nghệ đốt trong lò nung.
So sánh hiệu quả kinh tế kỹ thuật sản xuất và sử dụng thì sản phẩm vật liệu xây dựng không nung có nhiều tính chất vượt trội hơn vật liệu nung. Cụ thể là:
- Không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất… Đất sét chủ yếu khai thác từ đất nông nghiệp, làm giảm diện tích sản xuất cây lương thực, đang là mối đe dọa mang tính toàn cầu hiện nay.
- Không dùng nhiên liệu như than, củi.. để đốt. tiết kiệm nhiên liệu năng lượng, và không thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường.
- Có thể tạo đa dạng loại hình sản phẩm, nhiều màu sắc khác nhau, kích thước khác nhau, thích ứng tính đa dạng trong xây dựng.
- Sản phẩm có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt hơn vật liệu nung.
- Cơ sở sản xuất có thể phát triển theo nhiều quy mô khác nhau, không bị khống chế nhiều về mặt bằng sản xuất. Suất đầu tư thấp hơn vật liệu nung…
Do có những ưu điểm vượt trội như trên, nên các nước phát triển hiện nay đã sản xuất vật liệu không nung chiếm trên 70% sản lượng sản xuất hàng năm. Còn lại gần 30% vật liệu nung được chuyển đổi sang sản xuất chủ yếu cho vật liệu trang trí cao cấp. Trong khi đó, ở Việt Nam, hiện tại vật liệu nung đang chiếm tỷ lệ hơn 93% , còn vật liệu không nung chỉ chiếm chưa đến 7% trong tổng sản lượng gạch ngói xây. Như vậy vật liệu xây dựng không nung kém phát triển không những trong nước mà còn cách biệt quá xa so với các nước trong khu vực và thế giới.
Vì sao vật liệu xây dựng không nung ở nước ta kém phát triển, mặc dù sản xuất và sử dụng vật liệu không nung có nhiều hiệu quả như vậy?
Thử phản biện, tìm kiếm nguyên nhân sâu xa về vấn đề này, góp phần tìm biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất vật liệu không nung.
Thứ nhất: Tư duy và hành động theo kiểủ “ăn sẵn” tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
Sản phẩm đất sét nung như chum, vại, nồi niêu, gạch ngói… là hiện thân của một nền sản suất đơn giản,lạc hậu. Nhưng lại đề cao là loại sản xuất truyền thống, nên không những được duy trì mà còn khuyến khích phát triển. Điều này được thể hiện chậm chạp trong việc hạn chế, xóa bỏ loại hình sản xuất lò đứng thủ công; và sự ồ ạt đầu tư hàng trăm nhà máy sản xuất gạch ngói lò tuy nen vào thập niên 90 của thế kỷ 20; Còn trong dự báo chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thì bước phát triển vật liệu không nung ở trạng thái dịch chuyển ì ạch từng bước, chiếm 10% sản lượng năm 2010, 30% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. Giá trị đất sét khai thác từ đất canh tác nông nghiệp rẻ mạt, làm cho sản phẩm sản xuất không mang tính cạnh tranh trong thị trường, dẫn đến hậu quả mỗi năm vừa qua mất đi trung bình gần 1500 ha đất canh tác biến thành ao hồ, biến ruộng bậc cao thành vùng đất trũng, và đã đốt hàng triệu tấn than, thải ra hàng ngàn tỷ tấn khí thải CO2 vào bầu không khí gây ô nhiễm môi trường. Điều này còn tiếp tục gia tăng khi mà tài nguyên đất đai có sẵn bị khai thác sử dụng không có sự chi phối điều tiết hiệu quả như vừa qua.
Sự bất ổn về chính trị xã hội nhiều vùng trên thế giới do nguyên nhân thiếu lương thực vì giảm quỹ đất canh tác, và ô nhiễm môi trường là sự cảnh báo chúng ta nhìn lại tư duy và hành động mang tính “ăn sẵn” tài nguyên hiện có.
Thứ hai: Vật liệu không nung thiếu điểm tựa để phát triển.
Yêu cầu phát triển đầu tư xây dựng của nước ta là khách quan theo sự phát triển đổi mới, hội nhập thế giới, cơ chế thị trường, với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Tuy quá trình đổi mới đã diễn ra trên 20 năm, nhưng hiệu quả còn hạn chế về hiểu biết và hành động.
Không có đột phá trong dự báo đầu tư phát triển vật liệu đi trước một bước về chuyển đổi sản xuất vật liệu không nung một cách kiên quyết bằng chính sách và luật pháp.
Còn duy trì sản phẩm vật liệu nung trong kế hoạch phát triển năm 2010 và những năm tiếp theo ở mức cao (50-70%). Mức thuế khai thác tài nguyên, cũng như thuế về xâm hại môi trường rất thấp, cùng việc thực thi chế tài không nghiêm nên chưa có tác dụng làm hạn chế trong thực tế.
Thiếu chính sách cụ thể về thuế, về ưu đãi đầu tư để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất vật liệu không nung trong việc tận dụng phế thải công nghiệp, khai thác nguyên vật liệu tại chỗ, cạnh tranh về giá cả trên thị trường.
Chưa có đầu tư nghiên cứu và cải tiến trang thiết bị trong sản xuất vật liệu không nung để phù hợp với lao động và kỹ thuật xây dựng Việt Nam. Từ năm 1985 đến năm 2007 mới có 14 tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và phương pháp thử xác định chất lượng, nhưng thiếu các tiêu chuẩn hướng dẫn thi công sử dụng sản phẩm. Nhiều sản phẩm còn theo tiêu chuẩn nước ngoài, hoặc theo tiêu chuẩn do doanh nghiệp quy định.
Chưa chú ý quan tâm trong việc tuyên truyền hiệu quả cần thiết phải sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung trong xã hội. Việc sử dụng vật liệu không nung vừa qua mang tính tùy thích theo sự hiểu biết chủ quan của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Như vậy, vật liệu xây dựng không nung thiếu điểm tựa để phát triển không do yếu tố chủ quan từ đầu tư sản xuất, mà do chưa có sự quan tâm về tư duy và hành động kiên quyết của cả hệ thống quản lý nhà nước và xã hội từ vĩ mô.
Thứ ba: Thiếu nhạc trưởng quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng.
Vật liệu xây dựng là lương thực của ngành xây dựng. Sản xuất vật liệu xây dựng là loại hình sản xuất công nghiệp. Tổ chức quản lý mang tính chất tập trung, sản lượng lớn. Quan hệ giữa xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng là quan hệ hợp đồng cung ứng dịch vụ mang tính cạnh tranh, và độc lập trong thực hiện.
Quy hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng; cho phép và giám sát đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất theo quy hoạch; quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm…trên phạm vi cả nước, cả TW và địa phương là trách nhiệm thuộc về quản lý nhà nước, với tầm nhìn phục vụ cho đầu tư xây dựng của các thành phần kinh tế, theo cơ chế thị trường…
Sự mất cân đối về phát triển cơ cấu chủng loại, sự mất cân đối về cung cầu vừa qua là hệ quả của tổ chức quản lý đầu tư phát triển vật liệu xây dựng khép kín theo Bộ ngành TW và địa phương, dẫn đến phân tán trong đầu tư không theo quy hoạch, không theo cơ cấu sản phẩm, biến các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phụ thuộc vào sự chỉ đạo của các cấp theo cơ chế chủ quản TW và địa phương.
Thực tế vừa qua có nhiều cấp chỉ huy, nhưng lại thiếu một nhạc trưởng đứng ở vị trí phù hợp để điều hành có hiệu lực và hiệu quả về phát triển vật liệu xây dựng nói chung, vật liệu không nung nói riêng.
Có thể còn nhiều nguyên nhân khác giải thích cho sự kém phát triển của vật liệu không nung. Điều quan trọng là chưa có biện pháp về cơ chế chính sách làm thay đổi nhận thức về hiệu quả sử dụng vật liệu không nung vào xây dựng ở Việt nam. Trách nhiệm này thuộc về quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng và chuyên ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.
Thiết nghĩ, sự phát triển vật liệu xây dựng không nung cần đồng bộ tháo gỡ và tạo điều kiện về cơ chế và tổ chức quản lý để phù hợp với xu thế phát triển, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, làm phong phú sản phẩm vật liệu xây dựng.
Đánh giá: (4.6 trên 15 bình chọn)